Lịch sử hình thành Địa_phương_quân_và_nghĩa_quân

A. Địa phương quân:

Bảo an đoàn được thành lập năm 1955 trên cơ sở thống nhất các Lực lượng cảnh bị cũ ở các Phần hoặc Miền: Bảo chính đoàn ở Bắc Việt, Nghĩa dũng đoàn ở Trung Việt, Việt binh đoàn ở Nam Việt của Quốc gia Việt Nam, thu nạp thêm một bộ phận các tín đồ Thiên Chúa giáo Miền Bắc di cư vào Nam năm 1954. Trong thời gian từ ngày 8 tháng 4 năm 1955 Lực lượng Bảo an đoàn trực thuộc Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa.

Bảo an và Dân vệ là chiến sĩ làm nhiệm vụ Cảnh sát Hành chính ở miền Nam Việt Nam, hoạt động giữ gìn trật tự trị an ở từng Địa phương (bao gồm nông thôn, thành thị, đồng bằng, cao nguyên, sông ngòi và hải đảo). Tổ chức đầu tiên là Nha Tổng giám đốc Bảo an gồm có nhiều Sở. Mỗi Phần hoặc Miền tổ chức một Nha. Mỗi tỉnh có một Tỉnh đoàn Bảo an.

Đến ngày 19 tháng 11 năm 1955, Bảo an đoàn trực thuộc Phủ Tổng thống. Tháng 11 năm 1960, chuyển sang trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Ngày 1 tháng 5 năm 1964, Bảo an đoàn đổi tên thành Địa phương quân và tổ chức thành các Đại đội (khoảng 100 người). Cùng thời điểm Nha Tổng giám đốc Bảo an đổi tên thành Bộ chỉ huy Trung ương, sau đó là Bộ tư lệnh Địa phương quân và Nghĩa quân.

Từ đây, Địa phương quân và Nghĩa quân trực thuộc Bộ Tổng tham mưu, hoạt động trên các Quân khu và dưới quyền điều động trực tiếp của các Tiểu khu, Chi khu (Quận). Các Đại đội được nâng lên cấp Tiểu đoàn, rồi Liên đoàn.

Địa phương quân có nhiệm vụ tảo thanh, tiêu diệt các đơn vị du kích và bộ đội địa phương của địch quân tại khu vực trách nhiệm. Hỗ trợ Nghĩa quân giữ an ninh làng, xã. Ngăn chặn các trục giao liên, vận chuyển của địch. Phá vỡ các cơ sở địa phương và cơ cấu kinh tài của địch.

B. Nghĩa quân:

Tiền thân của Nghĩa quân là Dân vệ đoàn được thành lập để thay thế các Tự vệ Hương thôn và bảo vệ an ninh xã, ấp.

Tổ chức Dân vệ thành một Nha Trung ương rồi xuống Khu Thanh tra Dân vệ, Phòng Dân vệ Tỉnh, Phòng Dân vệ Quận và Xã đoàn Dân vệ. Về sau trực thuộc Nha Tổng Giám đốc Bảo an.

Ngày 12 tháng 5 năm 1964, Dân vệ đoàn đổi tên thành Nghĩa quân. Tổ chức đến cấp Trung đội và Liên Trung đội. Nhiệm vụ chính hoạt động trong phạm vi cấp Chi khu, Phân chi khu (Xã).

  • Địa phương quân và nghĩa quân là lực lượng chịu nhiều thương vong trong chiến tranh Việt Nam, thương vong của lực lượng này chiếm 25% tổng số thương vong của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.